Media Mart: “Căng mình” làm người khổng lồ

Media Mart: “Căng mình” làm người khổng lồ

Biên tập bởi: Nguyễn Mạnh Hải - Cập nhật ngày 23/10/2021 16:39

Đặt mục tiêu hết 2015 phải có trên 20 điểm bán tại  khu vực miền Bắc. Hiện nay, xét về doanh thu thuần bán lẻ thì Media Mart đang đứng thứ nhất.

1.

Media Mart: “Căng mình” làm người khổng lồ

Đặt mục tiêu hết 2015 phải có trên 20 điểm bán tại  khu vực miền Bắc. Hiện nay, xét về doanh thu thuần bán lẻ thì Media Mart đang đứng thứ nhất.

 
Ông Nguyễn Thanh Hải 

Việc hãng điện máy Media Mart vừa mở đại siêu thị 3000m2 trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) là một diễn biến rất khác, trong bối cảnh thị trường này đang gặp khó khăn, không ít DN đã phải rời bỏ hoặc bán lại thương hiệu cho nhà đầu tư khác.

Nhưng, Media Mart thậm chí còn gây ngạc nhiên hơn khi cho biết, sẽ tiếp tục mở thêm nhiều siêu thị nữa trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Marketing Media Mart trả lời phỏng vấn phóng viên TBNH.

Liệu chiến lược mở rộng của Media Mart ở thời điểm thị trường điện máy khó khăn như thế này có là nguy hiểm?

Đúng là thị trường điện máy hiện nay đang rất suy giảm. Tuy nhiên, việc Media Mart mở rộng ở thời điểm này là vì chúng tôi xác định có lợi thế về tài chính, lợi thế về lãi suất và đây cũng là một cơ hội để mở rộng. Khi thị trường khởi sắc lên, chúng tôi đã có một hệ thống chuỗi.

Việc Media Mart khai trương siêu thị trên đường Phạm Văn Đồng nằm trong kế hoạch năm 2014 của hãng. Năm nay, chúng tôi có kế hoạch mở từ 4-8 siêu thị, trong đó một số ở Hà Nội, còn lại phần lớn nằm ở địa phương khác. Các tỉnh như: Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), chúng tôi có thể mở một vài siêu thị.

Media Mart: “Căng mình” làm người khổng lồ
Media Mart Phạm Văn Đồng đông nghẹt khách ngày khai trương


Mục tiêu của Media Mart là triển khai ở tỉnh số siêu thị để tối thiểu phải giành 50% thị phần tại đó. Mô hình này đang được triển khai thành công ở Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa. Ngoài ra, mở rộng địa bàn, chúng tôi cũng có những lợi thế về giao vận, lợi thế về logistic, vì có các kho tại các điểm khác nhau thay vì trước đây chỉ là 1 kho.


Mỗi một siêu thị bây giờ đều thành một kho vệ tinh. Vì thế, giao hàng ở Hải Phòng chỉ trong 2 tiếng, ở Thanh Hóa cũng vậy.


Cùng với việc mở rộng địa bàn hoạt động, chúng tôi còn kết hợp song song với các kênh bán hàng khác như bán hàng trực tuyến. Media Mart sẽ đẩy mạnh kênh bán hàng này trong tương lai.


Tại sao Media Mart lại mạnh mẽ tiến về tỉnh lẻ? Phải chăng thị trường Hà Nội đã quá chật chội?


Điều đó, một nửa là hoàn toàn chính xác. Hiện, thị trường Hà Nội tương đối chật chội và cạnh tranh ở mức độ cực kỳ gắt gao. Trong những năm gần đây, chúng ta liên tiếp được chứng kiến sự ra đi của một số hệ thống bán lẻ. Vừa rồi, TopCare cũng chính thức rút. Điều đó thể hiện thị trường điện máy tại Hà Nội cạnh tranh rất khốc liệt.


Tuy nhiên, việc Media Mart mạnh mẽ tiến về các tỉnh thành cũng là để đón đầu ở các thị trường này. Media Mart đang đi tiên phong, là đơn vị thứ hai tiếp cận ra địa bàn tỉnh, nhưng tôi có thể khẳng định, mức độ nhận diện thương hiệu là lớn nhất.


Trong cạnh tranh, một phần phải trông cậy vào cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, mục tiêu và quan niệm của chúng tôi là phải kích được cầu ngay tại địa điểm mình chiếm lĩnh. Cụ thể, ở Bắc Ninh hay Thái Nguyên, trước đó khách hàng không hề biết đến mô hình bán hàng theo kiểu trải nghiệm mà chủ yếu mua theo kiểu truyền thống, cửa hàng…


Vì vậy, bản thân khi chúng tôi có mặt ở đó đã là một sự kích cầu. Thêm nữa, các sản phẩm cầm tay, điện thoại, máy tính, máy tính bảng… ở các địa bàn tỉnh vẫn đang tăng trưởng rất mạnh, từ 30-60%, thậm chí nhóm hàng máy tính bảng là 300%.


Trở lại với địa bàn Thủ đô, như phân tích của ông, các hãng khác hiện chưa có mặt ở Hà Nội, giờ muốn xâm nhập là rất khó?


Tôi nghĩ, tại thời điểm hiện nay, các điểm bán tại Hà Nội đã đáp ứng được 95% nhu cầu của người dân Thủ đô. Nếu chỗ nào còn thị phần thì chúng tôi sẽ là người mở trước. Các hãng khác bây giờ mới bắt đầu mở siêu thị điện máy tại Hà Nội là không có cửa.


Vì, xét về mặt cơ học, tại tất cả các địa bàn được gọi là trọng điểm đều có các điểm bán tương đối đầy đủ. Xét về mặt nhu cầu thì đây cũng không phải là giai đoạn tốt để mở rộng kênh bán tại Hà Nội. Tất nhiên, trừ khi DN có một chiến lược rõ ràng hay cách đi khác biệt.


Đặt chiến lược mở rộng khắp các tỉnh thành phía Bắc, tại sao Media Mart không tiến vào TP. Hồ Chí Minh, nơi được xem là thị trường lớn nhất cả nước?


Media Mart không vào TP. Hồ Chí Minh vì trong đó có quá nhiều đối thủ thành công. Với lại, cách sống của người dân phương Nam hơi khác so với người miền Bắc. Nhưng mặt khác, thị trường miền Bắc vẫn còn quá nhiều, mình chưa có nguồn lực để vào đó. Thay vì vào TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi có thể đẩy từ 8 siêu thị lên 12, đến 14 siêu thị ở khu vực miền Bắc.


Ông hình dung thế nào về Media Mart năm 2015, thời điểm mà Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho DN bán lẻ nước ngoài vào thị trường nội địa?


Chúng tôi đặt mục tiêu hết 2015 phải có trên 20 điểm bán tại  khu vực miền Bắc. Hiện nay, Media Mart đang đứng thứ 2 trên thị trường, chỉ sau một tập đoàn bán sỉ. Còn nếu xét về doanh thu thuần bán lẻ thì Media Mart đang đứng thứ nhất. Nhưng, các nhà cung cấp sản phẩm chỉ thực sự giảm giá bán cho các nhà bán lẻ vì đấy mới thực sự là khách hàng của họ. Chúng tôi đang có lợi thế.

(Theo thoibaonganhang.vn)