Ra mắt tháng 9 năm ngoái, Mi Mix 2 Special Edition gây ấn tượng nhờ sở hữu thiết kế với vỏ gốm nguyên khối - điều mà trước đó chưa từng có hãng điện thoại nào dám làm, hoặc chưa thể làm. Tính đến nay, máy vẫn là một trong số ít thiết bị di động dùng gốm làm chất liệu vỏ, thay vì kính cường lực hay nhôm như các hãng khác.
Hiện chỉ có Mi Mix 2 Special Edition, OnePlus X và smartwatch Apple Watch Series 2 Ceramic Edition có vỏ bằng gốm.
Bên cạnh nhựa, nhôm, thép hay kính, gốm - ở đây là gốm kỹ thuật hóa, không phải gốm thông thường - đang là vật liệu được kỳ vọng sẽ xuất hiện nhiều trên thiết bị di động trong tương lai. Dù từ 'gốm' tạo ra cho nhiều người một cảm giác dễ vỡ, nhưng gốm kỹ thuật hóa lại rất cứng, thậm chí chúng được liệt vào danh sách một trong những vật liệu kỹ thuật cứng nhất.
Gốm - Chất liệu đặc biệt
Với đặc tính chắc khỏe hơn thép không gỉ, chống xước tốt như sapphire, sáng bóng hơn và đồng thời giá thành thấp hơn nhiều lần so với vàng, gốm góp phần mang tới một chiếc smartphone mang vẻ ngoài bóng bẩy sang trọng và khác biệt. Mi Mix 2 Special Edition đảm bảo tất cả những yếu tố này.
Trên Mi Mix 2 Special Edition, Xiaomi đã đưa vào chất liệu gốm kỹ thuật hóa. Theo nhà sản xuất, quá trình 'tôi luyện' vỏ Mi Mix 2 bản đặc biệt mất khoảng 10 ngày, từ khi bắt đầu đến hoàn thiện. Đầu tiên, để sản xuất ra phần khuôn gốm, đội ngũ kỹ thuật sử dụng một lực 240 tấn và nung ở nhiệt độ lên đến 1.400 độ C trong 7 ngày. Quá trình phải nghiêm ngặt nhất, không để xảy ra lỗi bởi chỉ một mảnh vỡ nhỏ nhất sẽ làm cho toàn bộ mảnh gốm không sử dụng được.Mảnh gốm sau khi hoàn thành công đoạn đúc khuôn sẽ được đưa vào máy CNC để khoan tạo hình. Ở đó, các mũi khoan phải được thay thế qua mỗi lần chế tạo (vì gốm là vật liệu có độ cứng cao, dễ làm mòn mũi khoan). Tiếp đó, các mảnh gốm được đánh bóng bằng bụi kim cương trong hơn 10 tiếng đồng hồ và cuối cùng hình thành nên lớp vỏ sáng bóng. Quá trình này giúp lớp vỏ trở nên bền bỉ hơn so với các chất liệu thường thấy, cũng như tạo nên sự ấn tượng cho chiếc máy.
Ngoại hình tuyệt đẹp
Với vỏ gốm nguyên khối và các phím cũng được làm bằng màu trắng, nhìn tổng thể máy trở nên mạch lạc, thanh thoát hơn rất nhiều so với bản thường màu đen, vốn chỉ dùng gốm cho mặt sau. Màu trắng cũng tạo nên sự sang trọng, không thể nhầm lẫn nếu so sánh màu trắng trên các smartphone khác đang có mặt trên thị trường.
Bề mặt gốm trên Mi Mix 2 Special Edition tạo cảm giác mịn màng, mát trong lòng bàn tay khi cầm nắm. Bề mặt này tuy có phần trơn, nhưng lại không bị bám dấu vân tay hay dính bẩn - điều mà đa số các smartphone có ngoại hình bóng bẩy khác đang gặp phải.Đặc biệt, Xiaomi cũng đưa vào phần viền camera và cảm biến vân tay chất liệu vàng 18K. Việc kết hợp này không chỉ là điểm nhấn cho mặt sau máy, mà còn tạo nên sự đẳng cấp, sang trọng và không kém phần ấn tượng cho người đối diện.Trong khi đó, mặt trước với màu trắng cũng khiến nền đen của màn hình trở nên ấn tượng hơn, cũng như thể hiện được rằng phần viền của smartphone Xiaomi là rất mỏng khi chưa bật máy.
Khi bật máy lên, vẻ đẹp của nó càng được thể hiện rõ ràng. Mặt trước máy với viền màn hình mỏng và các chi tiết như loa ngoài được ẩn giấu một cách tinh tế, camera đã được dời xuống phía dưới... tạo nên sự khác biệt của Mi Mix 2. Bên cạnh đó, tỷ lệ hiển thị của màn hình so với bề mặt xấp xỉ 90% - điều rất ít hãng smartphone hiện nay làm được, dù tràn viền đang là xu thế - cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Với màn hình lớn trong cơ thể nhỏ, không gian hiển thị tạo cho người dùng cảm giác rộng rãi hơn, thoải mái hơn khi trải nghiệm.Philippe Starck là nhà thiết kế người Pháp nổi tiếng với nhiều sản phẩm mang tính khuôn mẫu trong lĩnh vực công nghiệp, từng tạo nên rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng, cũng như chiếc du thuyền Venus của cố CEO Apple Steve Jobs. Ông cũng chính là tác giả của cả hai mẫu điện thoại Mi Mix và Mi Mix 2 (bao gồm Mi Mix 2 Special Edition) của Xiaomi.Nói về Mi Mix 2, Starck ví chiếc máy “mang sự thuần khiết, thanh tịnh của một viên ngọc quý”. Ông cho biết, chiếc máy là thách thức của ông, song ông nghĩ đây chính là xu thế của tương lai. Phát biểu với The Verge năm ngoái, ông nhấn mạnh sản phẩm này hướng đến vật liệu tự nhiên cũng như thiết kế tối giản, nằm trong xu thế phi vật chất hóa (dematerialisation - càng ngày càng ít dùng vật liệu, đồng thời càng ngày càng thông minh hơn).'Với Mi Mix 2, chúng tôi đã cố gắng nhiều nhất có thể với triết lý phi vật chất hóa. Đó là lý do vì sao chúng tôi phải chấp nhận sự biến mất của những thiết kế từng nghĩ tới trước đây để tạo nên sự khác biệt', Starck nhấn mạnh.