Mạng 2G là công nghệ mạng di động viễn thông thế hệ thứ 2. Đây là thế hệ mạng di động đầu tiên sử dụng kỹ thuật số để truyền dữ liệu. Mạng 2G được thương mại hóa lần đầu tiên ở Phần Lan vào năm 1991 bởi nhà mạng Radiolinja và nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
Mạng 2G dần được thay thế bởi mạng 3G (công nghệ mạng di động viễn thông thế hệ thứ 3) từ khoảng năm 2002. Tại Việt Nam, mạng 3G được triển khai lần đầu tiên vào năm 2009 và nhanh chóng được phủ sóng trên các tỉnh thành khắp cả nước.
Sự ra đời và phổ biến của các công nghệ mạng di động thế hệ mới đã khiến mạng 2G trở nên lỗi thời và dần được thay thế.
Mạng 2G đã trở nên lỗi thời và được thay thế bởi những công nghệ mạng hiện đại hơn (Ảnh: RGBWebtech).
Tính đến năm 2023, nhiều quốc gia trên thế giới đã ngừng cung cấp dịch vụ và hoàn toàn tắt sóng 2G, chẳng hạn Mỹ (bắt đầu tắt sóng 2G từ năm 2017), Nhật Bản (tắt sóng 2G từ năm 2010), Hàn Quốc (tắt sóng 2G từ năm 2011), Singapore (tắt sóng 2G từ năm 2017), Thái Lan (tắt sóng 2G từ năm 2019)…
Tại Việt Nam, theo kế hoạch của Bộ TT&TT, đến tháng 9/2024 sẽ không còn thiết bị di động sử dụng mạng 2G và sẽ tắt sóng 2G hoàn toàn vào tháng 9/2026.
Như vậy tới tháng 9/2024, điện thoại sử dụng công nghệ 2G only sẽ mất kết nối hoàn toàn.
Đây được xem là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.
Tắt sóng 2G sẽ giúp tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn. Tắt sóng 2G cũng giúp giảm ô nhiễm điện từ, do mạng 2G sử dụng công nghệ cũ và tiêu tốn nhiều năng lượng để phát sóng.
Việc tắt sóng 2G là một xu hướng tất yếu trong sự phát triển của công nghệ di động. Mạng 2G đã quá lạc hậu và không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng về tốc độ truyền dữ liệu và khả năng truy cập internet. Tắt sóng 2G cũng sẽ giúp các nhà mạng tập trung nguồn lực để phát triển các công nghệ mạng 4G và 5G mới hơn.