Chi hàng chục triệu đồng đối phó nồm ẩm

Chi hàng chục triệu đồng đối phó nồm ẩm

Thấy một loạt bạn bè than thở vì khó chịu với nồm ẩm, anh Vinh bỗng trào lên cảm giác tự hào vì đã có đủ "combo vũ khí" chống lại tiết trời này."Hai phòng ngủ tôi đặt hai máy hút ẩm 10 lít, phòng khách một máy 20 lít nên nhà luôn khô ráo. Quần áo thì đã có máy giặt kiêm sấy, khỏi lo ẩm với hôi", anh Nguyễn Thành Vinh, 33 tuổi, ở Cầu Giấy chia sẻ

1.

Chi hàng chục triệu đồng đối phó nồm ẩm

Nhà ở tầng 16 chung cư, sàn gỗ, không bị toát mồ hôi như nhà mặt đất, nhưng kiểu thời tiết nồm ẩm này từng khiến vợ chồng anh có cảm giác đâu đâu cũng không sạch.

"Bước xuống sàn nhà dính chân nhớp nháp. Chui vào chăn thì cảm giác lạnh ẩm khiến rùng mình. Quần áo phơi mấy ngày không khô, mùi thì không chịu nổi. Đầu tóc mới gội mà như đã để cả tuần", chị Hoài, vợ anh Vinh nói thêm.

Vợ chồng anh Vinh đầu tư máy hút ẩm sau Tết 2022 khi thời tiết nồm ẩm kéo dài cả tháng. Cài đặt độ ẩm phòng khoảng 60% giúp không khí trong nhà luôn khô, cho cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Ba ngày sau khi sắm chiếc đầu, anh chị bỏ tiền sắm thêm hai chiếc nữa cho phòng khách và phòng ngủ còn lại.

Tết vừa qua, gia đình đầu tư hơn 40 triệu đồng mua một chiếc máy giặt kèm sấy. Đây là thứ khiến anh "hài lòng gấp đôi" vì quần áo vừa sạch bụi vải, mau khô, thơm tho và không bị vợ càu nhàu vì chuyện phơi quần áo.

"Năm ngoái tôi bảo mua máy giặt sấy mà vợ không cho vì nghĩ chỉ một tháng trời nồm không cần thiết. Giờ vợ cứ nói biết thế mua sớm hơn", anh cho hay. Tổng chi phí cho sản phẩm đuổi nồm của gia đình khoảng 70 triệu đồng.


Anh Nguyễn Xuân Hà đổ nước ở máy hút ẩm tại phòng khách của gia đình, ở Hà Đông, Hà Nội, chiều 7/2. Gia đình anh bật máy hút ẩm suốt trong những ngày nồm ẩm.

Sống trong ngôi nhà bốn tầng, mỗi sàn 38 m2 tại quận Đống Đa, chị Phương Thảo cho biết, đầu tuần này vừa phải gọi người mang thêm một máy hút ẩm, chi phí 8 triệu đồng, bên cạnh một chiếc mua từ năm ngoái. "Tôi dùng hai máy cho bốn tầng, đặt ngoài hành lang tầng một và ba. Từ lúc hai máy chạy hết công suất, nhà cứ khô cong", chị nói.

Gia đình đang sử dụng tủ sấy gần hai triệu đồng mua từ năm ngoái. Chị cũng đang cân nhắc trong năm nay sẽ nâng cấp lên một chiếc máy sấy dùng lâu dài.

Những năm trước chưa có máy hay tủ sấy, kiểu thời tiết này khiến mọi thứ trong nhà chị đều có thể mốc, từ đồ dùng đến đồ ăn. Có đêm chị dậy uống nước, đi cầu thang bị trượt ngã vì ướt, đi dép mà kêu lép nhép, ngước mặt lên trần, dễ hứng phải vài giọt "mồ hôi" rơi xuống.

"Trong phòng tắm, tường gạch hoa lấm chấm mốc thành từng mảng lớn, phải cọ hết hơi. Còn tường bên ngoài sau mỗi mùa nồm bong ra cả mảng", Thảo cho hay.

Thời đó, gia đình chị thường dùng các cách tạm bợ để ứng phó với kiểu thời tiết này hoặc chấp nhận cảnh "sống chung với lũ". Tầng một ẩm nhất, phải dùng bìa carton lót sàn để tránh trơn trượt. Cầu thang bằng gạch hoa rất trơn nên phải lau khô, hoặc lau nước ấm suốt. Khăn, bìa giấy để khắp nhà, nhìn vào luộm thuộm càng thêm nản.

"Nhà tôi còn bỏ riêng ra một phòng bỏ quần áo vào đó, bật điều hòa chế độ dry cho khô. Nhiều lúc ẩm quá không ngủ được, phải bật điều hòa, nhưng cũng chỉ dễ chịu được hơn chút", chị nói.

Nồm ẩm được nhiều người coi là một "đặc sản của miền Bắc". Kiểu thời tiết này thường xuất hiện sau Tết Nguyên đán, với đặc trưng mưa phùn kéo dài nhiều ngày, độ ẩm không khí cao, dẫn đến hiện tượng nhà cửa "toát mồ hôi", hơi nước đọng khắp nền nhà, tường, đường sá nhớp nháp, quần áo phơi không khô và nấm mốc sinh sôi, khiến nhiều người bị bệnh liên quan đến đường hô hấp. Nồm ẩm là ác mộng với nhiều gia đình, đặc biệt các nhà mặt đất và có con nhỏ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo, nửa đầu tháng 2, không khí lạnh hoạt động yếu và lệch đông nên miền Bắc sẽ thường xuyên mưa phùn, sương mù, độ ẩm không khí trên 80%. Trang Accuweather của Mỹ dự báo gần như cả tháng 2 Hà Nội có sương mù, mưa phùn. Trời chỉ hanh khô trong 2-3 ngày khi không khí lạnh tràn về.

Anh Nguyễn Xuân Hà kinh doanh đồ điện tử ở quận Hà Đông cho biết vẫn có nhiều người không mua sản phẩm chống nồm ẩm vì nghĩ kiểu thời tiết này chỉ diễn ra thời gian ngắn, cố gắng chịu đựng hoặc chọn các giải pháp tình thế.

Mọi người hay mách nhau dùng điều hòa chế độ dry cho khô nhà, thực tế có vẻ khô, nhưng theo anh Hà đo bằng ẩm kế sẽ thấy không giảm đáng kể, từ 80% xuống 75%. Độ ẩm tốt nhất cho sức khỏe là 50-55%, người Việt sống ở vùng nhiệt đới quen, nên độ ẩm thoải mái thường từ 60-65%.

"Các giải phải tốt nhất là hạn chế mở cửa, hạn chế lau nhà hoặc chỉ lau khô, đóng cửa nhà vệ sinh sau khi dùng. Nếu có điều kiện thì cần xác định trước sau gì các sản phẩm này cũng nên mua để cải thiện chất lượng cuộc sống", anh Hà nói.


Các hộp hút ẩm giá từ 35.000 đến 45.000 đồng khá hiệu quả cho các khu vực kín như tủ giày, tủ quần áo.

Ông Lê Quang Vũ, Tổng Giám đốc chuỗi siêu thị điện máy MediaMart cho biết, nhiều người có suy nghĩ những sản phẩm như máy sấy, máy hút ẩm chỉ phục vụ ngắn hạn. Một phần có thể do các hãng điện tử chưa có cách tiếp cận rõ nét, khiến nhiều người tiêu dùng chưa hiểu tường tận các tính năng của cásản phẩm

"Thực tế các sản phẩm này là các thiết bị dài hạn, có thể dùng nhiều thời gian trong năm và năm này năm khác", ông nói. Đơn cử máy sấy rất thiết thực cho các nhà chung cư ít nắng, diện tích phơi có hạn. Xu hướng dùng máy sấy thay vì phơi cũng phổ biến ở các nước.

Vài năm trở lại đây tâm lý người tiêu dùng đã có sự thay đổi. Một bộ phận, nhất là cư dân ở các thành phố không còn cố chịu đựng trời nồm hoặc các biện pháp tình thế, mà tìm đến giải pháp triệt để. Số liệu cho thấy năm nay, các mặt hàng điện tử "khắc tinh trời nồm" như tủ sấy, máy sấy, máy hút ẩm bán chạy từ đầu tháng 2 và đột biến vào cuối tuần qua. Dự kiến trong tuần này sẽ lập đỉnh mới.

"Có ngày chúng tôi bán ra khoảng 2.000 tủ sấy, 1.000 máy sấy, 700 máy hút ẩm, gấp 10 lần các thời điểm khác trong năm", ông Vũ cho biết.

Theo ông, để ứng phó thời tiết nồm ẩm, nếu điều kiện tài chính hạn chế có thể dùng tủ sấy (1-2 triệu đồng) và máy hút ẩm (4-7 triệu đồng). Nếu xác định đầu tư dài hạn nên mua máy sấy và hút ẩm, trong đó có thể lựa chọn máy sấy các dòng thông hơi (6-9 triệu đồng), ngưng tụ (7-13 triệu đồng) hay bơm nhiệt heatpump (14-20 triệu đồng).

Năm nay có hai tháng nhuận, kiểu thời tiết nồm có thể sẽ kéo dài hơn. Ông Vũ khuyến cáo người tiêu dùng nếu có điều kiện nên mua sớm để được sử dụng sớm, chủ động được từ sản phẩm, giao hàng, lắp đặt, giá cả.

Ngoài máy sấy, tủ sấy, máy hút ẩm, thị trường những ngày qua cũng nóng lên với nhiều món đồ khác đối phó trời nồm, từ máy rửa bát, tủ sấy đũa, máy sấy giày, đến các loại hộp hút ẩm, tinh dầu, xà phòng thơm hay nước javen để chống ẩm mốc.

Trong căn chung cư 100 m2 những ngày qua, anh Vinh chạy ba máy hút ẩm cả ngày. Tối nào trước lúc đi ngủ, anh cũng đổ được cả bình đầy nước. Tại các khu vực máy hút ẩm không tới được như tủ quần áo, tủ giày, anh còn đặt thêm những hộp chống ẩm, giá chỉ vài chục nghìn, song theo anh khá hiệu quả.

Chiếc máy giặt sấy giúp gia đình anh dù có ba con nhỏ, không còn nỗi lo quần áo ẩm ướt, mùi khó chịu. Anh còn bật cả máy lọc không khí vì mùa này không khí có hơi nước nặng, khiến các chất ô nhiễm như bụi mịn lơ lửng ở tầng thấp, rất dễ hít phải.

"Lúc đầu nghĩ bỏ ra 70 triệu đồng để đối phó nồm, nhưng thực tế nhà tôi sử dụng nhiều thời gian trong năm. Cuộc sống từ lúc có chúng, ít nhất là khi bước về nhà, không còn ớn trời nồm nữa", anh nói.

Theo VN Express