Tủ lạnh là nơi bảo quản thực phẩm, giữ cho chúng được tươi ngon hợp vệ sinh và đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình bạn. Vì vậy vệ sinh tủ lạnh là việc cần làm thường xuyên và thực hiện đúng cách.
1. Bước 1: Ngắt điện
Việc đầu tiên bạn cần làm là rút dây nguồn của tủ lạnh ra khỏi ổ cắm trước khi làm vệ sinh.
2. Bước 2: Dọn dẹp bên trong tủ
Sau đó, bạn hãy lấy hết thực phẩm trong tủ ra ngoài. Trong lúc này, bạn cũng có thể tiện phân loại những thức ăn nào sắp hết hạn sử dụng hoặc không còn dùng nữa để bỏ đi.
3. Bước 3: Tháo rời kệ
Tiếp theo, chúng ta sẽ tháo hết các ngăn kệ, bất cứ thành phần nào có thể tháo ra được bên trong tủ và cho chúng vào chậu rửa hoặc bồn rửa. Dùng nước rửa chén và một miếng mút hoặc khăn bông mềm lau rửa nhẹ nhàng các khay kệ vừa lấy ra. Bạn cũng có thể dùng nước ấm để các vết bẩn trôi đi nhanh hơn nhưng không được dùng nước quá nóng vì rất dễ làm nứt, biến dạng ngăn tủ. Sau khi đã rửa xong, hãy đặt các ngăn tủ vào nơi khô cho ráo nước.
4. Bước 4: Vệ sinh bên trong tủ
Vì tủ lạnh là nơi thường xuyên trong tình trạng “ẩm ướt”, nếu sử dụng khăn ướt để lau vào những chỗ dơ có thể sẽ làm chất bẩn lan ra nhiều hơn nên hãy chọn cho mình một miếng vải khô hoặc mút mềm thấm hút tốt.
Nếu không muốn dùng xà phòng hoặc ghét mùi các chất tẩy rửa hóa học, bạn có thể dùng một ít giấm pha loãng với nước ấm để lau chùi theo tỉ lệ 1 phần giấm, 3 phần nước. Giấm không những có khả năng làm sạch mà còn có khả năng giết chết vi khuẩn và nấm mốc, đồng thời khử mùi tủ lạnh vô cùng hiệu quả nhờ nồng độ axit có sẵn trong giấm. Bạn cũng nên làm sạch phần cánh cửa và đệm cao su ở cửa. Đặc biệt là đệm cửa vì đây là nơi thường đọng nước, cáu bẩn.
Sau khi lau với giấm, chúng ta có thể dùng một chiếc khăn khô để lau lại toàn bộ phần bên trong tủ và đệm cao su cho kho ráo hẳn .
5. Bước 5: Vệ sinh bên ngoài tủ
Sau khi vệ sinh bên trong tủ, chúng ta sẽ tiến hành vệ sinh bên ngoài tủ.
Đối với tủ lạnh mặt gương: bạn chỉ cần dùng khăn giấy và nước rửa kính lau sạch phần bề mặt cửa và phần tay cầm.
Với tủ lạnh thép không gỉ hoặc sơn tĩnh điện: bạn hãy thấm ướt một miếng vải bằng giấm và lau chùi tủ và đừng quên lau sạch phần nóc tủ lạnh.
6. Bước 6: Làm sạch khay thoát nước
Nước ở máng nước phía sau tủ lạnh thường sẽ tự bay hơi hết bởi hơi nóng toát ra từ động cơ của tủ lạnh do đa phần các tủ lạnh ngày nay có lượng nước thoát ra rất ít.
Nếu như bạn thấy phía sau tủ có mùi hôi, hoặc máng nước quá nhiều nước, dơ bẩn thì có thể tháo ra đổ nước và lau chùi lại.
7. Bước 7: Sắp xếp lại đồ sau khi vệ sinh tủ
Sau khi vệ sinh tủ lạnh xong xuôi, bạn cần sắp xếp lại các khay kệ đã tháo rời và bỏ lại các loại thực phẩm, đồ ăn vào tủ để tiếp tục sử dụng.
Bạn cũng nên lau hết lại những chai, lọ để mọi thứ được sạch sẽ hơn, tránh dây bẩn lại cho tủ lạnh.
Sau khi đã sắp xếp thực phẩm vào lại tủ lạnh như cũ, bạn có thể cắm điện vào ngay. Vậy là việc vệ sinh tủ lạnh đã hoàn tất.